bannerweb-3709.png

Cẩm nang

CHỢ PHIÊN MÈO VẠC ĐÔNG VUI NHẤT NĂM

 

Những ngày cuối năm ở Hà Giang, cao nguyên đá chìm trong mưa bụi và sương mù. Nhưng đến cuối tuần, bầu không khí thay đổi khi những phiên chợ đông vui, nhộn nhịp được mở.

 

Chợ phiên Mèo Vạc họp vào mỗi chủ nhật hàng tuần tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, bắt đầu từ khoảng 4h đến 16h. Từ sáng sớm, người dân từ 18 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc và các xã lân cận thuộc huyện Yên Minh, Đồng Văn bắt đầu đến chợ phiên lớn nhất vùng để trao đổi mua bán. Người đi chợ có cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già.

 

Chợ phiên Mèo Vạc là khu chợ lớn nhất của tỉnh Hà Giang, được quy hoạch thành từng khu vực theo sản phẩm bày bán, từ các vật dụng hàng ngày đến nông sản.

 

Làm việc trong lĩnh vực khảo sát tư liệu, lịch sử văn hóa, anh Nguyễn Chí Nam, 38 tuổi (Hà Nội), đã đến chợ phiên Mèo Vạc nhiều lần, vào các thời điểm trong năm. Anh cho biết chợ phiên đông vui nhất vào khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán. Trước Tết là thời điểm người dân đi mua sắm đồ dùng, thực phẩm chuẩn bị cho năm mới. Sau Tết là lúc người dân đến tham gia các trò chơi, lễ hội.

 

 

Cổng chợ là nơi hoạt động mua bán diễn ra sầm uất nhất. Ở đây tập trung những khu mua bán trao đổi gia súc, gia cầm cho đến những mặt hàng nông cụ, thực phẩm và đồ ăn vặt như bánh rán, bánh ngô. Gian hàng điện tử cũng dần xuất hiện theo nhu cầu của người dân địa phương.

 

Hầu hết các mặt hàng nông sản, nhu yếu phẩm tại chợ do người dân tự nuôi trồng, làm ra như rau củ, nông cụ, vải dệt thổ cẩm, gia vị, thảo dược.

 

Một khu vực ngoài trời khác, nơi người dân bán rượu ngô, loại rượu đặc sản của Hà Giang. Những người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, ngồi thành dãy, tay cầm can đong rượu theo từng lít để bán cho khách. Thực khách có thể nếm thử các loại rượu trước khi mua.

 

 

Rượu ngô là thứ không thể thiếu trong các mâm cỗ, cúng hay các bữa tiệc, buổi gặp gỡ của người dân địa phương. Bên cạnh chỗ bán có khu vực cho những người đi chợ phiên ngồi thưởng thức rượu ngô và trò chuyện, giao lưu.

 

Nằm ở khu vực trung tâm chợ phiên Mèo Vạc là khu ẩm thực, nơi thu hút đông người nhất. Khu vực này có 2 tầng, tầng một tập trung chủ yếu các hàng ăn, có bảng phân chia khu vực rõ ràng.

 

 

Khu ẩm thực là nơi người dân, du khách thưởng thức các món đặc sản của Hà Giang như thắng cố (ảnh), phở Tráng Kìm, bánh tam giác mạch, mèn mén, cháo ấu tẩu.

 

Anh Nam thường thưởng thức phở và thắng cố khi tới chợ phiên Mèo Vạc. "Vì phục vụ thêm cho cả du khách nên thắng cố giờ đã thay đổi, cách chế biến đảm bảo vệ sinh hơn. Phở tráng tay thủ công, trực tiếp, ăn rất tươi, ngon", anh nói.

 

Thu hút nhiều chị em phụ nữ là những gian hàng bán quần áo trên tầng hai. Những bộ trang phục đa dạng màu sắc và kiểu dáng, thêu họa tiết truyền thống của các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô. Ngoài ra, còn có gian hàng bán trang sức, phụ kiện.

 

 

Tham dự nhiều phiên chợ vùng cao, từ Đồng Văn, Mèo Vạc đến các phiên chợ lùi Quyết Tiến, Ma Lé, Lũng Phìn, anh Nam thấy các chợ về cơ bản khá giống nhau, chỉ khác về quy mô.

Sau khi chợ cũ Đồng Văn nằm dưới chân núi Đồn Cao, bên cạnh khu phố cổ giải phóng mặt bằng năm 2012, chợ phiên Mèo Vạc hiện là chợ phiên lớn nhất, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của Hà Giang. "Đa phần người đến chợ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, các mặt hàng bày bán cũng mang nét đặc trưng. Không gian chợ cũ kỹ, mang đến cảm giác hoài niệm", anh Nam nói.

 

Chợ phiên đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, ăn sâu vào cuộc sống của người dân ở Hà Giang. Những đứa trẻ từ khi còn nhỏ đã theo cha mẹ, ông bà đi chợ phiên hằng tuần. Với người dân ở đây, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi các nhu yếu phẩm mà còn là dịp để gặp lại người quen, kết thêm bạn mới, nơi những chàng trai, cô gái trẻ tìm vợ, tìm chồng.

 

 

 Chợ phiên Mèo Vạc cùng với sân vận động Mèo Vạc kế bên là nơi diễn ra tục "bắt vợ" của đồng bào dân tộc Mông. "Những chàng trai trẻ thì bắt vợ, còn những người đàn ông trung niên thì uống rượu say mèm, nằm ngay tại chợ", anh Nam kể. Bên cạnh việc giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang trong những phiên chợ, anh Nam hy vọng những hủ tục, thói quen không tốt sẽ dần biến mất.

Nguồn Quỳnh Mai – VNexpress



Các tin khác

Hotline:0869 923 933
Chỉ đường icon zalo Zalo:0869 923 933 SMS:0869 923 933